“Báu vật lộ thiên” rừng lim xanh hàng trăm năm tuổi ở Hà Nội
Nhắc tới những cây gỗ lim, nhiều người nghĩ chỉ ở trên những ngọn núi xa xôi mới có, ít ai ngờ rằng, ngay giữa Thủ đô lại có một rừng lim cổ thụ.
Rừng lim ở đền Và, phường Trung Hưng (thị xã Sơn Tây, Hà Nội) có 242 cây lim, trong đó có 85 cây lim cổ thụ.
Cánh rừng lim xanh độc đáo này nằm trên quả đồi thấp, rộng 7,5 ha, bao quanh là đồng ruộng và khu dân cư đã sinh sống qua nhiều đời.
Có những gốc lim to, đường kính hơn 1 mét, phải 2 đến 3 người ôm mới xuể.
Người dân trong vùng cũng như khách thập phương khi tới chiêm bái, lễ Thánh tại đền Và luôn có ý thức gìn giữ rừng lim.
Rừng lim đã tạo nên nét đẹp hài hòa về cảnh quan, giữ gìn môi trường sinh thái, tôn vinh thêm giá trị lịch sử của khu di tích.
Ông Phùng Minh Sơn, Chủ tế, phụ trách đền Và cho biết :”Năm 2018, Hội cây di sản Việt Nam đã công nhận 95 cây lim là cây Di sản và một số còn lại chúng tôi đang lập hồ sơ”.
Các cây di sản đều được đánh số và bảo vệ cẩn thận. “Người dân địa phương và du khách đến tham quan đều rất có ý thức bảo vệ rừng cây đặc biệt này, nên trong nhiều năm qua không có việc cưa trộm cây”, đại diện đền Và cho hay.
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Sinh – Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, cho biết ở Việt Nam nhiều khu vực có cây lim nhưng hội đủ các yếu tố đặc biệt thì chỉ có ở đền Và: “Rừng lim mọc tự nhiên giữa khu vực đông dân cư, tồn tại đồng hành cùng đền Và, đã chứng kiến những biến cố lịch sử trong suốt hàng trăm năm”, tiến sĩ Sinh nói.
Xem thêm: Hà Nội chi 114 tỷ phun nước hạ nhiệt: Nhiều quận, huyện hẹn… mùa thu mới phun
Rừng lim được người dân địa phương ví như “báu vật lộ thiên”.
Với người dân Sơn Tây, khu rừng lim còn có ý nghĩa tâm linh, họ coi đây là khu rừng thiêng với nhiều câu chuyện kỳ lạ. Không một ai xâm phạm cánh rừng này dù chỉ là một cành củi.
Vào những buổi trưa hè nắng nóng, người dân làm lụng vất vả ngoài đồng thường vào nghỉ ngơi bên những gốc lim, tránh nắng dưới những tán lá xum xuê rợp bóng mát.
Một số cây lim cổ thụ đã bị sâu mục, rỗng ruột, héo cành, một số cây đã chết khô do tác động của thời gian. Chính quyền địa phương đang lên nhiều phương án phục hồi, phát triển rừng cây đặc biệt này.
Một cây lim xanh có phần thân chết khô nhưng dưới gốc lại đang đâm chồi.
Một cành lớn do tác động của thời gian, thời tiết đã gãy đổ, nằm dưới nền đất.
Đa phần cây lim ở đây đều có chiều cao trên 10m, mỗi cây mang một hình dáng khác nhau.
Dưới gốc các cây lim lâu đời là những cây lim non bắt đầu phát triển, chính quyền địa phương đã đổ thêm đất để tăng dưỡng chất cho những cây non này.
Nguồn: http://danviet.vn/bau-vat-lo-thien-rung-lim-xanh-hang-tram-nam-tuoi-o-ha-noi-5020202660282427.htm
Bình luận